NHNN cũng cho biết, số lượng giao dịch có giá trị trên 10 triệu đồng ghi nhận trong 2 ngày đầu thực hiện Quyết định 2345/2023 là 8,24%. Các ngân hàng cũng cho biết, giao dịch của khách hàng vẫn được thông suốt và mọi vướng mắc (nếu có, bao gồm khi quét NFC) đang được các nhà băng nỗ lực xử lý, đồng hành cùng khách hàng.
NHNN cho biết, việc yêu cầu xác thực sinh trắc học khuôn mặt đối với giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên/lần sẽ không làm gián đoạn trải nghiệm của khách hàng khi giao dịch. Theo thống kê của NHNN, giao dịch 10 triệu đồng trở lên chỉ chiếm 11% giao dịch và nhiều trường hợp một người thực hiện nhiều giao dịch nên tổng số người giao dịch hạn mức này không đến 10%. Tổng số người có giao dịch trên 20 triệu trong 1 ngày cũng chưa đến 1%. Trong khi đó, có khoảng 70% số lượng giao dịch thanh toán của khách hàng cá nhân tại Việt Nam có giá trị dưới 1 triệu đồng.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), để triển khai Quyết định 2345, đòi hỏi các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán cần rất nhiều nguồn lực, vật lực và nhân lực. Tuy nhiên, với trách nhiệm cộng đồng, xã hội, các tổ chức tín dụng đã và đang rất nỗ lực để giảm thiểu rủi ro gian lận, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán cho khách hàng.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, thực hiện xác thực sinh trắc học trong giao dịch trực tuyến, về mặt kỹ thuật, là áp dụng giải pháp công nghệ nhằm tăng cường bảo đảm an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ. Muốn thực hiện giải pháp này, một trong nhiệm vụ quan trọng của các tổ chức tín dụng là cập nhật dữ liệu sinh trắc học của khách hàng, lưu trữ và kiểm tra, đảm bảo dữ liệu khớp đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khớp đúng với thông tin khách hàng từ căn cước công dân gắn chíp hoặc tài khoản định danh điện tử.
Đây là nhiệm vụ được ứng dụng công nghệ để thực hiện và xử lý thông qua phần mềm, qua app ngân hàng và không khó khăn nhiều đối với khách hàng đã và đang sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Khách hàng có thể thực hiện cập nhật dữ liệu sinh trắc học theo hướng dẫn, tư vấn trực quan sinh động và sáng tạo; chi tiết và cụ thể (từ video; hình ảnh hoặc văn bản hướng dẫn các bước thực hiện, thao tác) của các ngân.
Tuy nhiên, thực tế cũng phát sinh những tình huống như: khách hàng chưa có căn cước công dân gắn chip; điện thoại không có chức năng NFC; nghẽn mạng hoặc hệ thống không nhận diện được khách hàng… tất cả những điều này gây “tâm lý khó chịu” nhất định thường gặp từ phía khách hàng khi thực hiện một hoạt động nào “có tính chất mới".
Để khách hàng từng bước làm quen và thực hiện việc xác thực sinh trắc học trong thanh toán trực tuyến thuận lợi, ông Lệnh đề nghị bên cạnh tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ, các tổ chức tín dụng tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn và hướng dẫn khách hàng, đặc biệt là việc chăm sóc và xử lý kịp thời khó khăn vướng mắc phát sinh.
Tin liên quan
Ngân hàng cảnh báo lừa đảo trong xác nhận sinh trắc học Giao dịch ngân hàng trực tuyến: Bảo vệ khách hàng với “tấm khiên” sinh trắc học